Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

VNPT "tụt dốc": Có thể trở thành EVN Telecom thứ 2?

Thua lỗ vì tư duy độc quyền
EVN Telecom được thành lập từ năm 1995 với chức năng quản lý vận hành, khai thác mạng thông tin viễn thông điện lực. EVN Telecom đã được Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đầu tư 100% vốn nhà nước với số tiền lên đến 2.442 tỉ đồng (tính đến cuối năm 2010).
Theo phân tích của TS Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam: Thời điểm tham gia vào lĩnh vực kinh doanh viễn thông, EVN Telecom có một số lợi thế vượt trội khiến nhiều đối thủ phải ganh tỵ lẫn lo ngại với việc được sử dụng hạ tầng sẵn có của EVN như cột điện treo cáp, hệ thống cáp quang đến tận các huyện, đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm làm kinh doanh điện năng, các giao dịch viên có lợi thế trong tiếp cận khách hàng, các mối quan hệ và kho số đẹp đầy ắp báo hiệu sự thành công của EVN Telecom và đặc biệt là lợi thế dựa vào thương hiệu lớn là tập đoạn EVN.
TS Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam nói về thất bại của EVN Telecom

Với những lợi thế như trên, EVN Telecom cũng có một thời hoàng kim ngắn ngủi khi trong Tổng kết thi đua khen thưởng giai đoạn 5 năm 2006-2010, EVN tự hào khẳng định: "Chất lượng dịch vụ EVN Telecom ngày càng tốt hơn, giá cả hợp lý với trên 4,6 triệu khách hàng sử dụng dịch vụ".
Báo cáo cũng cho hay Tuyến cáp quang biển Liên Á (IA) của EVN được bình chọn là 1 trong 10 sự kiện viễn thông và công nghệ thông tin tại Việt Nam năm 2009. EVN cũng đã triển khai đầu tư mạng 3G.

Tuy nhiên, dường như thời hoàng kim đỉnh cao của EVN Telecom chỉ dừng lại ở đấy. Vì đến thời điểm cuối năm 2011, người tiêu dùng gần như chẳng biết mấy đến thương hiệu EVN Telecom.
Giải thích việc EVN Telecom phá sản vì thị trường viễn thông, TS Mai Liêm Trực cho rằng khi EVN Telecom tham gia thị trường viễn thông thì thị trường này đã phá bỏ độc quyền mở ra cạnh tranh, trong khi EVN nhiều năm vẫn hoạt động trong môi trường độc quyền. Cung cách quản lý của EVN Telecom với việc EVN đã thành lập doanh nghiệp với 100% vốn nhà nước mà lại để những người trong cơ chế độc quyền hoạt động lâu năm trực tiếp điều hành thì ngay cả mô hình kinh doanh, quản trị doanh nghiệp cũng như các cơ chế nội bộ của EVN Telecom hoàn toàn sai lầm trong môi trường kinh doanh.
Hơn thế, EVN Telecom thua lỗ dài đã được cảnh báo trước nhưng không kịp thời xử lý để đến bên bờ vực phá sản.
Bắt đầu từ năm 2009 trong bối cảnh suy giảm kinh tế nói chung, tình hình hoạt động của EVN Telecom đã sa sút nghiêm trọng. Doanh thu của công ty này chỉ còn đạt 3.004,4 tỷ đồng, giảm 19% so với năm 2008, lợi nhuận trước thuế chỉ đạt vỏn vẹn 8,2 tỷ đồng.
Năm 2010, theo Kiểm toán Nhà nước, EVN Telecom đã chuyển từ lãi sang lỗ hoàn toàn. Lợi nhuận trước thuế âm tới 1.057,7 tỷ đồng. Và sang năm 2011 thì tình trạng thua lỗ vẫn không tránh khỏi khi EVN Telecom chỉ đạt hơn 60% kế hoạch doanh thu, tăng trưởng 10% thuê bao.
Ngày 05/12/2011, Thủ tướng Chính phủ quyết định sáp nhập EVN Telecom vào Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel). Việc sáp nhập được thực hiện từ ngày 1/1/2012 đến ngày 31/03/2012 thì hoàn tất và EVN Telecom hoàn toàn bị xóa sổ.
Thất bại vì công nghệ
EVN Telecom lựa chọn công nghệ CDMA 450MHZ, một công nghệ được đánh giá là có nhiều khuyết điểm đối với dịch vụ di động, trong khi chỉ có một số ưu điểm đối với dịch vụ cố định không dây. Thực tế trên thế giới công nghệ CDMA 450 MHz rất ít nhà mạng sử dụng, công nghệ này chỉ sử dụng cung cấp dịch vụ cố định không dây.
Còn dịch vụ di động CDMA 450 MHz chỉ là tận dụng hạ tầng sẵn có, chất lượng dịch vụ di động rất kém. Vì vậy công nghệ CDMA 450 MHz có vùng phủ sóng rộng cung cấp dịch vụ cố định không dây sẽ tiết kiệm đầu tư. Tuy nhiên thiết bị thiết lập mạng cũng như thiết bị đầu cuối CDMA 450 MHz có ít nhà sản xuất dẫn đến giá cao. Công nghệ CDMA 450 MHz bị can nhiễu và khả năng xuyên thủng kém dẫn đến chất lượng dịch vụ tại các thành phố lớn rất kém.
Nói như vậy cũng không phải việc lựa chọ mạng CDMA 450 MHz là hoàn toàn sai lầm. Mạng CDMA 450 MHz có nhiều khuyết điểm đối với dịch vụ di động nhưng có rất nhiều ưu điểm đối với dịch vụ cố định không dây. Cái chính là EVNTelecom là không đưa ra được chiến lược thích hợp tạo rào cản khi hai nhà mạng VNPT và Viettel tham gia thị trường điện thoại cố định không dây vào cuối năm 2008.
Trong khi nhu cầu người dân sử dụng điện thoại cố định không dây thời kỳ đó chỉ cần máy điện thoại có chức năng nghe gọi có giá 600.000-700.000 đồng mỗi máy. Thế nhưng trái lại, EVNTelecom đặt máy không dây loại cao cấp có rất nhiều chức năng có giá 2-3 triệu đồng mỗi máy. Máy điện thoại có giá quá cao khách hàng không thể mua được máy và không phát triển được khách hàng.
EVN Telecom lựa chọn công nghệ CDMA 450MHZ, một công nghệ mà nhiều khuyết điểm đối với dịch vụ di động

Nhà mạng không phát triển được khách hàng thì không có doanh thu, đồng thời ứ động vốn đầu tư thiết bị đầu cuối và EVNTelecom đành phải thực hiện gói E-COM doanh nghiệp, tặng máy điện thoại không dây cho khách hàng là doanh nghiệp, nhưng kèm theo điều kiện sử dụng tối thiểu 2 năm, cước phát sinh hàng tháng tối thiểu hai trăm ngàn đồng.
Tuy nhiên thực hiện gói E-COM doanh nghiệp một thời gian phải ngừng lại, nguyên do doanh thu thấp không đủ cho chi phí thiết bị đầu cuối giá cao. Đến quý III năm 2008, khi VNPT và Viettel tham gia thị trường máy điện thoại cố định không dây với chính sách tặng máy cho khách hàng EVN Telecom cũng phải tặng máy cho khách hàng.
Trong khi VNPT và Viettel cung cấp dịch vụ không dây với máy điện thoại chỉ có giá 600.000 đồng và hai nhà mạng này thực hiện cuộc đua tặng máy , tặng thuê bao... EVN Telecom cũng phải chạy theo tặng máy giá cao đến 2-3 triệu và chịu thua lỗ.
Sự thất bại và chậm chuyển đổi công nghệ đã khiến EVN Telecom trả cái giá đắt bằng sự cáo chung vào đầu năm 2012. Và số phận của EVN Telecom sau đó là bài toán đau đầu của ngành viễn thông trong nước.
Từ bài học của EVN Telecom nhìn sang Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam người ta vẫn thấy đâu đó tư tưởng độc quyền và cách làm nặng tính bao cấp. Ngay khi trao đổi với phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam một cựu quan chức của VNPT cũng đã chỉ ra chính là tư tưởng, tư duy không chỉ cán bộ nhân viên mà cả lãnh đạo của VNPT trong một khoảng thời gian. Một tư duy quan liêu bao cấp vẫn còn nặng nề, tư duy độc quyền của VNPT đã khiến họ chậm chuyển mình có phần chậm khiến VNPT dần mất đi vị thế.
Nhìn mức độ sụt giảm doanh thu nhanh chóng của VNPT trong những năm qua, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNPT - ông Phạm Long Trận thừa nhận là do kinh tế khó khăn và ảnh hưởng từ việc giảm thuê bao, giảm doanh thu từ mạng điện thoại cố định.
Theo đó hiện nay VNPT cần phải giải bài toán điện thoại cố định, khi mà công nghệ, thiết bị đầu tư rất lớn không thể muốn là có thể thay thế bằng công nghệ khác được trong khi người tiêu dùng đang quay lưng với dịch vụ này.
Đưa ra lời khuyên với VNPT, chuyên gia kinh tế PGS.TS Bùi Quang Bình cho rằng, VNPT phải tăng chất lượng dịch vụ và giảm giá thành để hộ gia đình, người dân quay trở lại sử dụng ở khía cạnh nào đó mạng điện thoại cố định vẫn có vai trò rất quan trọng.
Nhìn từ sự sai lầm trong công nghệ của EVN Telecom chắc chắn VNPT không muốn giẫm lên vết xe đổ và trở thành một EVN Telecom thứ hai.